Translate

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Giới thiệu về Đại học Giao thông vận tải




Trường đại học Giao thông vận tải Những dấu ấn của đơn vị anh hùng

Sau gần 67 năm xây dựng và phát triển, 50 năm đào tạo đại học, Trường đại học Giao thông vận tải (ÐH GTVT) đã không ngừng lớn mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Nhất là những kết quả trong đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tích cực tham gia bảo vệ Tổ quốc
Ðược khai giảng ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện khẩu hiệu "mỗi người dân là một người lính, có lệnh là đi, có giặc là đánh", thầy và trò nhà trường vừa giảng dạy, học tập, lao động sản xuất vừa sẵn sàng lên đường chiến đấu. Nhất là sau khi thành lập "Ðại đội 9/2" năm 1949, lực lượng bán vũ trang đầu tiên của trường đã dấy lên  phong trào luyện tập quân sự trong cán bộ, giảng viên và trở thành môn học bắt buộc đối với sinh viên. Mặt khác, trường còn kết hợp thực tập phục vụ sản xuất và chiến đấu thông qua tổ chức cho sinh viên các lớp Cầu, Ðường bộ, Ðường sắt khóa 3, 4 tham gia khảo sát thiết kế tuyến đường Tạ Khóa - Cò Nòi, khảo sát đèo Lũng Lô, tham gia phục vụ chiến dịch Tây Bắc; khảo sát, thiết kế cùng bộ đội, công nhân và nhân dân khắp nơi hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ...

Những thành tích trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc của trường được tiếp nối trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 200 cán bộ, giảng viên, công nhân viên và hai nghìn sinh viên của Trường ÐH GTVT tạm "xếp bút nghiên" lên đường vào chiến trường. Cùng với việc trực tiếp tham gia chiến đấu, thầy và trò nhà trường còn có những đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm giao thông trên các tuyến đường vận tải huyết mạch chi viện cho chiến trường miền nam. Dù còn nhiều khó khăn trong thời kỳ chiến tranh nhưng trường đã nghiên cứu hơn 50 đề tài khoa học có giá trị thực tiễn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài ra, các lực lượng dân quân tự vệ của trường luôn bảo đảm tổ chức chặt chẽ, sẵn sàng chiến đấu tốt, đồng thời là lực lượng chủ yếu xây dựng hệ thống hầm hào phòng tránh bom đạn cho sinh viên và nhân dân nơi Trường đóng quân. Nhà trường đã có 45 cán bộ, giảng viên, sinh viên đã anh dũng hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập của Tổ quốc; 24 cán bộ, giảng viên, sinh viên để lại một phần xương máu của mình tại các chiến trường. Nhiều gương sáng là cán bộ, chiến sĩ của Trường trong thời kỳ này: Chiến sĩ thi đua Bùi Ðình Trúc, liệt sĩ Bùi Viết Thiện, liệt sĩ Nguyễn Huy Tấn...

Phát huy truyền thống của mình, ngày nay công tác quốc phòng, xây dựng dân quân tự vệ và giáo dục quốc phòng cho sinh viên luôn được nhà trường chú trọng. Khoa Giáo dục quốc phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục kiến thức về an ninh - quốc phòng cho sinh viên, làm nòng cốt trong việc tổ chức và huấn luyện lực lượng tự vệ. Hằng năm, sĩ quan dự bị là cán bộ, giảng viên đều tham gia huấn luyện ba tháng đầy đủ. Nhiều năm liền lực lượng tự vệ được công nhận là "Ðơn vị Quyết thắng". Hằng năm, trường đều tuyển chọn các sinh viên vừa tốt nghiệp gửi đi đào tạo sĩ quan dự bị. Trong đó, chỉ riêng năm năm gần đây, đã tuyển chọn được 125 sinh viên.
Ðổi mới đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội
Bên cạnh việc tham gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, Trường ÐH GTVT còn là đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo trong mọi hoàn cảnh. Chỉ riêng từ năm 1945 - 1960, trường đã đào tạo hơn 1.000 cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ kịp thời phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp và khôi phục kinh tế ở miền bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng để đáp ứng tốt nhiệm vụ đào tạo, nhà trường đã thực hiện việc chuyển hướng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ thời bình sang thời chiến, từ tập trung sang phân tán. Ðến năm học 1968 - 1969, quy mô đào tạo của nhà trường đã tăng lên 4.000 sinh viên.


Phát huy truyền thống, trong thời kỳ đổi mới, với phương châm "dạy những gì xã hội cần", Trường luôn chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo. Ðến nay, trường đã hoàn chỉnh chương trình đào tạo ÐH cho 15 ngành với 69 chuyên ngành theo hướng "Hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện Việt Nam". Quy mô đào tạo của trường cũng tăng lên nhanh chóng, nếu như năm học 1975 - 1976, chỉ tiêu tuyển sinh là 400 sinh viên, thì năm học 2010 - 2011, số sinh viên tuyển mới của trường hơn 7.000 sinh viên, đưa tổng số sinh viên theo học tại trường là gần 32 nghìn. Bên cạnh đó, số lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng tăng lên theo từng năm học với 1.952 học viên cao học, 104 nghiên cứu sinh tại trường trong năm học 2010 - 2011.

Không chỉ phát triển về quy mô, nhà trường còn tập trung đổi mới phương pháp đào tạo, chuyển từ niên chế sang hệ thống tín chỉ; tổ chức đào tạo các chương trình chất lượng cao; mời một số chuyên gia hàng đầu của các trường đại học của Anh, Pháp, Nhật Bản, CHLB Ðức sang thỉnh giảng nhằm cập nhật những tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Ðến nay, trường đã có quan hệ với hơn 50 trường ÐH, Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế trên thế giới và hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tiếp cận, nắm bắt nhu cầu và những vấn đề cấp bách của thực tiễn sản xuất đặt ra, từ đó đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, với đội ngũ cán bộ, giảng viên gồm bốn giáo sư, 43 phó giáo sư, 139 tiến sĩ và 356 thạc sĩ, công tác biên soạn giáo trình, bài giảng được đẩy mạnh. Trong năm năm gần đây, đã có 153 giáo trình, bài giảng được viết mới, biên soạn lại hoặc tái bản có bổ sung. Bên cạnh các giáo trình truyền thống, trường còn triển khai biên soạn 51 giáo trình điện tử theo nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo phân công góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn

Cùng với nhiệm vụ đào tạo, ngay từ ngày đầu thành lập, Trường ÐHGTVT còn thực hiện tốt phương châm giáo dục "Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội". Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với nhiều khó khăn nhưng các hoạt động thực hành, nghiên cứu khoa học của trường cũng đã phát huy giá trị, hiệu quả thiết thực. Ðiển hình năm 1962, trường đã đưa sinh viên đi kết hợp thực tập và nghiên cứu thiết kế quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn cho huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) góp phần thực hiện phong trào "giải phóng đôi vai" do Bộ GTVT phát động. Các đề tài như Nghiên cứu đặc tính sử dụng xe Zil-130 ở Việt Nam; Nghiên cứu phương án chuyển tải sông Hồng; Cầu quay cam nhông ray; Chống rung máy phát điện đi-ê-den... đã được các giảng viên và sinh viên nghiên cứu thành công, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, tiết kiệm được nhiều tiền của, công sức, tạo ra sản lượng hàng hóa cao.

Sau ngày đất nước thống nhất, công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng thực tiễn sản xuất tiếp tục được chú trọng. Chỉ tính riêng từ năm 1975 đến năm 1982, trường đã thực hiện 430 đề tài, trong đó có 73 đề tài cấp Nhà nước và cấp bộ. Những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học bám sát vào thực tiễn, đi sâu giải quyết các vấn đề thời sự. Ðáng chú ý, trong năm năm trở lại đây, cán bộ, giảng viên và các nhà khoa học của trường đã nghiên cứu 483 đề tài, trong đó có bốn đề tài cấp Nhà nước, 134 đề tài cấp bộ, 335 đề tài cấp trường, 10 đề tài bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, một số đề tài và dự án có tính thời sự của ngành GTVT và có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội như: "Xác định ưu tiên cho lộ trình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng GTVT Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020"; "Xây dựng luận cứ khoa học đầu tư phát triển bền vững cơ sở hạ tầng GTVT tuyến ven biển Vũng Tàu - Tân Thành", "Giao thông thông minh"...


Có thể nói, trải qua chặng đường gần 67 năm xây dựng và trưởng thành; 50 năm chính thức mang tên Ðại học Giao thông vận tải, tập thể cán bộ, giảng viên Trường ÐHGTVT luôn đoàn kết, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, gắn bó với thực tiễn. Trường đã đào tạo cho đất nước hàng trăm nghìn kỹ sư, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ. Phần lớn các công trình giao thông lớn của đất nước như đường Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Bãi Cháy, hầm Thủ Thiêm, đường sắt Thống Nhất, hệ thống tổ chức giao thông công cộng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có sự đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ giảng viên và sinh viên của trường, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thành tích xuất sắc
Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2011). 
Danh hiệu Anh hùng Lao động (2007).1 Huân chương Hồ Chí Minh (2005).1 Huân chương Ðộc lập hạng nhất (2000).1 Huân chương  Ðộc lập hạng nhì (1995).1 Huân chương  Ðộc lập hạng ba (1986).2 Huân chương Lao động hạng nhất (1982 và 1990).2 Huân chương Lao động hạng nhì  (1977 và 2004).2 Huân chương Lao động hạng ba  (1966 và 1999).1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì (1973).2 Huân chương Tự do, 1 Huân chương Lao động hạng nhất.1 Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào.
Nhiều tập thể, cá nhân trong trường được nhận huân, huy chương các loại

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

BACK TO TOP